Số người tham gia bảo hiểm y tế giảm sâu so với năm 2021

Thông tin về công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), ông Dương Văn Hào - Trưởng ban Quản lý thu - sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, tính đến ngày 3/6/2022, cả nước có 16,74 triệu người tham gia BHXH, tăng 193,8 nghìn người so với cuối năm 2021.

Số tham gia BHXH tự nguyện là trên 1,3 triệu người, tăng 170,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Về BHYT, số tham gia là 86,258 triệu người, tăng 404,4 nghìn người so với tháng trước nhưng giảm 2,578 triệu người so với cuối năm 2021, giảm 1,466 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Về công tác thu, lũy kế từ đầu năm, tổng số thu toàn ngành đạt khoảng 37,8% kế hoạch Chính phủ giao, tăng 2.382 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Vận động tiểu thương tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Hà Nội. Ảnh: Bảo hiểm xã hội Hà Nội
Vận động tiểu thương tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Hà Nội. Ảnh: Bảo hiểm xã hội Hà Nội

Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng trên, ông Hào cũng nêu ra một số điểm còn khó khăn, hạn chế trong công tác thu, phát triển đối tượng. Cụ thể, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, người lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu, phát triển BHXH, BHYT.

Ngoài ra, việc áp dụng mức đóng BHXH tự nguyện theo chuẩn nghèo mới, cùng với những tác động của Quyết định 861/QĐ-TTg (có khoảng trên 2 triệu người dân tộc thiểu số không còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ cấp thẻ BHYT) nên việc phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình gặp nhiều khó khăn, số tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình giảm sâu so với thời điểm cuối năm 2021. Với tốc độ đang phát triển hiện nay thì đến năm 2025, sẽ khó đạt chỉ tiêu về độ bao phủ như Nghị quyết số 28/NQ-TW về cải cách chính sách BHXH năm 2018 của Bộ Chính trị đề ra.

Ngày 29/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 546/QĐ-TTg về việc giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2022 - 2025. Ngày 19/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 69/NQ-CP về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH. Điều này cho thấy, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm đến chính sách BHXH, BHYT đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đây cũng là cơ sở quan trọng để ngành BHXH tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển người tham gia BHXH, BHYT.

Chú trọng công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương

Chia sẻ về các giải pháp phát triển người tham gia, ông Dương Văn Hào cho biết, thời gian qua, BHXH đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế đề xuất, sửa đổi, bổ sung về chế độ, chính sách về BHXH, BHYT để tăng sự hấp dẫn của chính sách. Đơn cử như đề xuất nâng mức hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện của ngân sách nhà nước từ 30% lên 50% đối với hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại.

Cũng theo ông Hào, dư địa để phát triển số người tham gia BHXH, BHYT còn khá lớn. Hiện cả nước còn khoảng 17 triệu nhóm người tiềm năng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Vì vậy, ông Hào đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố chủ động, tích cực hơn nữa trong việc triển khai giao chỉ tiêu BHXH, BHYT đến cấp xã, bởi hiện mới chỉ có 30 địa phương thực hiện nội dung này. BHXH các địa phương cần liên tục rà soát, cập nhật số liệu của nhóm này, trên cơ sở đó tiếp cận tuyên truyền để vận động tham gia, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các tổ chức, đại lý thu tổ chức hội nghị khách hàng để tuyên truyền, vận động, phát triển người tham gia. Tổ chức linh hoạt các hình thức vận động theo nhóm nhỏ, các hội nghị khách hàng đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với từng nhóm đối tượng tiềm năng.

Mục tiêu hơn 16,9 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội năm 2022

Năm 2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao chỉ tiêu cho bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là trên 16,9 triệu người, tăng 2,1% so với năm 2021; bảo hiểm xã hội tự nguyện trên 2,27 triệu người, tăng 57,1% so với năm 2021; bảo hiểm y tế là trên 91,7 triệu người, tăng 3,3% so với năm 2021.

Ông Hào cũng nhấn mạnh tới công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương của cơ quan BHXH. Theo đó, thành lập ban chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia tới cấp xã, chỉ đạo, đôn đốc, lãnh đạo, giao nhiệm vụ, công việc cụ thể cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đôn đốc, phát triển đối tượng tham gia theo các phương án, đề án và giải pháp phù hợp với từng xã.

Bên cạnh đó, cơ quan BHXH tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, thành phố hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện và một số nhóm đối tượng tham gia BHYT, người dân trước đây được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT, nay không thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT (do thay đổi về chính sách như: đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người sống vùng đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển,…) để tăng nhanh diện bao phủ. Cùng với đó, các đơn vị BHXH tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành nghị quyết và chương trình hành động triển khai thực hiện các nghị quyết theo từng năm về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.

Đồng thời, BHXH sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức ủy quyền thu, đại lý thu theo quy định mới ban hành.