Hầu hết các chỉ tiêu lớn đều tăng trưởng 2 con số

Theo số liệu của Bộ Tài chính trong tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023, tính đến 12/12/2022 có 79 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có: 31 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ, 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài; 19 DNBH nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 26 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Trong năm 2022, công tác hoàn thiện thể chế tiếp tục được tập trung hoàn thiện để từng bước tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường bảo hiểm, đáp ứng các cam kết song phương, đa phương về hội nhập quốc tế.

Tính trong năm 2022, tổng tài sản của các DNBH ước đạt 811.312 tỷ đồng, tăng 14,51% so với năm 2021. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 162.814 tỷ đồng, tăng 3,83% so với năm trước. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 251.306 tỷ đồng, tăng 15,09%, trong đó doanh thu phí bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 68.201 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 183.105 tỷ đồng.

Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 64.018 tỷ đồng, tăng 23,29% so với năm 2021, trong đó các DNBH phi nhân thọ ước đạt 23.418 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 40.600 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2022, đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 656.423 tỷ đồng, tăng 12,56%; tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 526.559 tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm 2021.

Năm 2023 dự kiến tốc độ tăng trưởng doanh thu bảo hiểm khoảng 15%
Năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 183.105 tỷ đồng. Ảnh: Duy Dũng.

Đối với hoạt động môi giới bảo hiểm (MGBH), trong năm 2022, tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua MGBH ước đạt 15.751 tỷ đồng, tăng 7,0% so với năm 2021, trong đó: phí bảo hiểm gốc thu xếp qua môi giới ước đạt 8.982 tỷ đồng (tăng 16,15%); phí tái bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước đạt 6.769 tỷ đồng (giảm 3%). Hoa hồng MGBH ước đạt 1.130 tỷ đồng, tăng 11,14% so với năm 2021. Tổng tài sản, tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp MGBH ước đạt 1.283 tỷ đồng và 770 tỷ đồng, lần lượt tăng 13,15% và 28,7% so với năm 2021.

Thông tin của Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2022, công tác hoàn thiện thể chế tiếp tục được tập trung hoàn thiện để từng bước tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường bảo hiểm, đáp ứng các cam kết song phương, đa phương về hội nhập quốc tế.

Cùng với đó, công tác quản lý, giám sát thị trường theo phương thức giám sát từ xa và thanh tra, kiểm tra tại chỗ được triển khai. Công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục từ việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đến tổ chức triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra.

Hoạt động quản lý, giám sát được tăng cường và chuẩn hóa theo các chuẩn mực quản lý, giám sát do Hiệp hội Các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế ban hành. Cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm của Việt Nam tham gia tích cực Diễn đàn các cơ quan quản lý bảo hiểm Đông Nam Á và Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế, qua đó chia sẻ các thông tin về quản lý, giám sát trong lĩnh vực bảo hiểm, đồng thời thông qua diễn đàn giới thiệu về hình ảnh đất nước và môi trường đầu tư của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Tăng hiệu quả hoạt động doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ

Cũng tại tham luận này, Bộ Tài chính cũng đưa ra nhiều giải pháp, để thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội.

Năm 2023 dự kiến tốc độ tăng trưởng doanh thu bảo hiểm khoảng 15%
Tiếp tục mục tiêu đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm trong năm 2023. Ảnh: Duy Dũng.
Năm 2023, Hội nghị Các Cơ quan quản lý bảo hiểm ASEAN lần thứ 26 (AIRM26) sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Cơ quan quản lý thị bảo hiểm của Việt Nam sẽ giữ vai trò Chủ tịch AIRM26.

Trong năm 2023, Bộ Tài chính dự kiến tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng doanh thu của các DNBH tăng khoảng 15% trong năm 2023. Cùng với đó, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các DNBH, đảm bảo an toàn hệ thống; phát triển đa dạng các sản phẩm bảo hiểm.

Đối với công tác quản lý, giám sát, tiếp tục thực hiện công tác quản lý, giám sát thị trường theo phương thức giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý, giám sát thị trường.

Cũng trong năm 2023, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia vào các diễn đàn hợp tác quốc tế như Hội nghị Các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN (AIRM), Hiệp hội Các cơ quan quản lý bảo hiểm quốc tế (IAIS)....; tiếp tục chuẩn bị các phương án tham gia cho lĩnh vực bảo hiểm đối với các Hiệp định hiện đang trong quá trình đàm phán./.